Cách nào nhận biết bugi ô tô bị hỏng?

399 lượt xem

Bugi là một chi tiết nhỏ nên thường bị bỏ quên trong quá trình sử dụng và bảo dưỡng, điều này dẫn đến động cơ hụt công suất

Bugi là gì?

Bugi là một chi tiết quan trọng của động cơ đốt trong, đặc biệt là động cơ xăng. Bugi có hai loại chính là bugi đánh lửa và bugi sấy. Ở động cơ xăng bugi đánh lửa là chi tiết cuối cùng của hệ thống đánh lửa. Nhiệm vụ của nó là phát sinh ra tia lửa điện giữa hai điện cực gồm cực trung tâm và cực bên nối mát để đốt cháy hỗn hợp không khí – xăng từ chế hòa khí được nạp vào buồng đốt.

Còn với động cơ diesel, bugi được trang bị dùng cho mục đích sấy nóng nhiên liệu. Các bugi sấy có dạng dây đốt, chúng được lắp vào vị trí trong buồng cháy của xi lanh động cơ, đối diện với vòi phun. Các bugi sấy được nối song song với nhau. Cấu tạo gồm rơle bugi sấy, bộ định thời gian sấy và đèn báo sấy.

Bugi đánh lửa và bugi sấy là hai loại bugi chính.

Đối với bugi đánh lửa, trong suốt tuổi đời sẽ phóng ra tia lửa điện khoảng 27,5-110 triệu lần. Và phải hoạt động trong môi trường có áp suất lên tới 50kg/cm2, nhiệt độ vượt mức 2000 độ C.

Ngoài ra mỗi lần phóng tia lửa điện, điện cực sẽ mất đi vài phân tử. Điều này làm cho điện cực bugi bị mòn dần dẫn đến tình trạng phóng không đúng, dò cao cáp hay là hoàn tất mất đi khả năng phóng điện.

Là một chi tiết quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới chu trình cháy sinh công của động cơ, nhưng chi tiết này lại ít được quan tâm.

Anh N.M.T, chuyên viên kỹ thuật của Toyota cho biết, đa phần chủ xe đều ít bảo dưỡng và thay thế chi tiết này. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, bugi nên được vệ sinh tại mỗi 20.000km và thay mới tại 50.000km.

Những hư hỏng và lưu ý sử dụng

Đối với bugi đánh lửa hư hỏng thường gặp là bị mòn chấu cực. Do người dùng không bảo dưỡng thường xuyên nên các chấu điện cực dễ bị bám muội carbon, dẫn đễn nhanh mòn gây ra các hư hỏng.

Anh Nguyễn Văn Anh, một người sử dụng ô tô chia sẻ: “Anh chỉ tưởng bugi hoạt động lúc đề nổ máy còn bình thường không hoạt động nên không quan tâm và bảo dưỡng bugi thường xuyên”.

Dựa vào màu sắc bugi sẽ có những dạng hư hỏng cụ thể. Ví dụ bugi có màu đen và khô trường hợp do thừa nhiên liệu hoặc không đốt hết hỗn hợp cháy, có thể kể đến các hư hỏng như: lọc gió bẩn, kim phun thừa nhiên liệu, bugi hỏng.

Ngược lại với trường hợp trên là bugi đen nhưng bị ướt. Đây là dấu hiệu lọt dầu bôi trơn vào buồng đốt, cần kiểm tra các chi tiết như xéc măng, pít tông, xu páp.

Bugi bị trắng là trường hợp quá nhiệt, nguyên nhân dẫn đến là do chọn bugi sai thông số, hệ thống làm mát động cơ kém, thiếu nhiên liệu.

Bugi có màu đỏ gạch, hay gọi là nâu vàng là biểu hiện mức nhiên liệu hòa trộn với tỉ lệ thích hợp, hệ thống đánh lửa hoạt động tốt, bugi sử dụng đúng dải nhiệt độ.

Vào mùa mưa, khi lái xe có thể dẫn tới nước lọt vào bugi, điều này rất nguy hiểm. Nếu thấy hiện tưởng khó nổ máy cần kiểm tra tránh trường hợp nước lọt vào buồng đốt gây thủy kích.

Với suy nghĩ đồ đắt là đồ tốt, nhiều chủ xe đã trang bị nhưng bộ bugi giá thành cao cho xe của mình. Điều này chưa hoàn toàn đúng bởi bugi còn phải phù hợp với thông số của động cơ và thông số của nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng.

Trường hợp của anh N.V.M cho biết, anh được giới thiệu và mua một bộ bốn chiếc bugi của hãng NGK với giá thành 800.000 đồng một chiếc. Sau khi đem bộ bugi ra garage nhờ lắp hộ thì bộ bugi này không ăn khớp với động cơ nên anh đành phải nhờ garage bán lại và mua một bộ mới phù hợp với xe của mình.

Với việc tháo lắp bugi cũng rất dễ gây vỡ trụ sứ, dẫn đến trường hợp kẹt bugi trong máy. Điều này ngay cả những thợ mới vào nghề cũng dễ gặp phải.

Bugi sấy có chức năng không quan trọng như bugi đánh lửa, nhưng có giá thành rất cao, khi mua nên tìm hiểu và chọn nhà cung ứng uy tín.

Khuyến cáo không nên chọn bugi sấy nhái kém chất lượng , giá quá rẻ, bởi khi sử dụng sẽ gây ra những phiền toái nghiêm trọng như bị nổ đầu sấy, đứt gãy đầu sấy lưu lại trong mặt máy, rơi vào buồng đốt rất nguy hiểm.

Với cường độ làm việc liên tục và chịu áp lực lớn, bugi rất dễ hao mòn. Dựa vào những cách nhận biết bugi ô tô bị hỏng đơn giản, chủ xe có thể chủ động “bắt bệnh” cho bộ phận này. Khi phát hiện bugi gặp vấn đề, tốt nhất nên đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng để tiến hành kiểm tra và thay thế. Đây là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất để tăng tuổi thọ cho xe ô tô.

Nguyễn Mạnh Hưng – Báo giao thông

Thông tin liên hệ:
  • Công ty Công ty Cổ phần HC- Hiteck
  • Liên hệ: Phòng Dịch vụ khách hàng
  • Số Hotline 1: 0915701515
  • Số Hotline 2: 0901766966
  • Email: chienhcautotech@gmail.com
  • Website: dinhvihc.vn
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn: Thiết bị định vị ô tô 4G đạt QCVN, Camera Nghị định 10, Camera nghị định 10 tích hợp Định vị, Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe - DAT, Cabin mô phỏng lái xe
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời